TRƯỜNG THPT NGUYỄN TRÃI

Địa chỉ: Thị trấn Chờ, Huyện Yên Phong, Tỉnh Bắc Ninh
Vinh dự nằm trong top những ngôi trường cấp 3 chất lượng, tốt nhất tại tỉnh Bắc Ninh đó chính là trường Trung Học Phổ thông Nguyễn Trãi.
Ngôi trường này đã nhận được sự tin tưởng của tất cả phụ huynh lẫn các em học sinh trên địa bàn huyện Yên Phong.

TẦM NHÌN

“Đổi mới toàn diện, trở thành trường chất lượng cao trong hệ thống giáo dục quốc dân Việt Nam, tiến tới hội nhập quốc tế; Đào tạo, bồi dưỡng những học sinh có tư chất thông minh và năng khiếu đặc biệt ở các môn học trở thành những công dân khỏe mạnh về thể chất, phong phú về tâm hồn, có nhân cách và trí tuệ, biết nắm bắt cơ hội để tạo dựng thành công trong thời đại hội nhập.”

SỨ MỆNH

“Xây dựng môi trường giáo dục hiện đại, kỷ cương, đoàn kết; Phát triển đội ngũ nhà giáo có tinh thần trách nhiệm, có trình độ chuyên môn vững vàng; Tạo cơ hội cho mỗi học sinh phát triển toàn diện về nhân cách và trí tuệ, có thể thích nghi, thành công trong môi trường học tập, làm việc trong nước và nước ngoài”.

XÂY DỰNG GIÁ TRỊ CỐT LÕI

Đoàn Kết – Đổi mới – Sáng tạo – Tôn Trọng – Hội nhập – Khát vọng vươn lên
Nhân cách: nhân cách đóng vai trò hết sức quan trọng đối với cuộc đời của một con người. Trường THPT Nguyễn Trãi vạch ra chiều hướng cho sự hình thành và phát triển nhân cách của học sinh và dẫn dắt sự hình thành và phát triển nhân cách của học sinh nhằm giúp các em trở thành những người tốt, những công dân có ích cho xã hội.

Trí Tuệ: Trí tuệ được thể hiện qua tư duy sáng tạo của mỗi người, trí tuệ có nhiều cấp độ khác nhau. Đối với con người chúng ta, tri thức quan trọng nhưng nó chưa là gì so với trí tuệ. Vì suy cho cùng, tri thức chỉ là một nền tảng sơ khai ban đầu để rèn luyện trí tuệ mà thôi. Ý thức được đều đó, thầy và trò trường Nguyễn Trãi đã, đang và sẽ không ngừng trau dồi, rèn luyện để nâng cao trí tuệ.

Sáng Tạo: là một phẩm chất cốt lõi của mỗi người công dân của thế kỷ 21. Với vai trò tiên phong trong công cuộc đổi mới và phát triển giáo dục, giáo viên và học sinh nhà trường luôn phải vượt lên chính mình, tự làm mới chính mình để thực hiện sứ mệnh tiếp nối và phát triển. Vì vậy Nhà trường cũng sẽ là một điển hình Sáng tạo trong áp dụng các tiến bộ khoa học để xây dựng chương trình giáo dục, phương pháp dạy học hiện đại, tiên tiến, chất lượng tạo tiền đề để các em học sinh tự chủ và sáng tạo trong học tập và công việc trong tương lai.

QUY TẮC VĂN HÓA ỨNG XỬ

– Bảo đảm định hướng giáo dục đạo đức, lối sống và hoàn thiện nhân cách học sinh.

– Phù hợp với chuẩn mực đạo đức đã được xã hội thừa nhận.

– Phù hợp với quy định của pháp luật.

– Phù hợp với mục tiêu, đặc điểm của nhà trường và ngành giáo dục.

-Đảm bảo tính thực tiễn và tính khả thi.

– Bảo đảm tính dân chủ và nhân văn.

QUY TẮC VĂN HOÁ ỨNG XỬ CỦA HỌC SINH

ĐIỀU 1: TƯ TƯỞNG – ĐẠO ĐỨC

– Kính trọng Quốc kỳ, thuộc Quốc ca – Tham gia đầy đủ các buổi chào cờ, sinh hoạt tập trung và các hoạt động do nhà trường tổ chức.

– Luôn trau dồi đạo đức, trung thực, khiêm tốn, lành mạnh, văn minh, sống có trách nhiệm và giữ gìn danh dự của nhà trường.

– Lễ độ với thầy cô, công nhân viên và người lớn tuổi.

– Đoàn kết nhân ái giúp đỡ nhau cùng tiến bộ, quan hệ bạn bè nam nữ phù hợp với môi trường sư phạm.

– Chấp hành nghiêm Luật giao thông, tuân thủ các hiệu lệnh và quy định của nhà trường.

ĐIỀU 2: CHUYÊN CẦN

– Đi học chuyên cần, đúng giờ, không bỏ học, trốn tiết.

ĐIỀU 3: NỀ NẾP – KỶ LUẬT

– Học sinh phải ra vào cửa trường đúng quy định, không được đi lại trên hành lang và ngoài sân trong giờ học.

– Cấm leo rào, trèo tường.

– Học sinh không có nhiệm vụ trực thì không được vào lớp trước giờ học và ở lại lớp sau khi tan học.

– Không chạy xe trong trường và chơi bóng trong giờ học.

– Nghiêm cấm:

+ Nói tục, chửi thề, uống rượu, hút thuốc, cờ bạc, giữ và sử dụng chất kích thích gây nghiện, văn hoá phẩm không lành mạnh; mang hung khí và chất gây cháy nổ vào trường.

+ Gây sự, đánh nhau, đưa người lạ mặt vào trường, kết băng nhóm kích động gây mất trật tự an ninh trong và ngoài trường.

+ Mọi hành vi tàng trữ hoặc sử dụng chất độc hại, chất dễ gây cháy, nổ, hung khí, vật bén nhọn, v.v… trong khuôn viên nhà trường.

+ Việc dùng tài khoản cá nhân hoặc tài khoản của người khác trên diễn đàn mang tên trường THPT Nguyễn Trãi để đăng tải các nội dung không lành mạnh, có tính xuyên tạc, đả kích, gây mất đoàn kết.

– Học sinh không được: nhuộm tóc (ngoài màu đen), xăm hình vẽ trên cơ thể.

+ Nam sinh: Tóc cắt ngắn, gọn gàng ,không phủ cổ áo, phủ tai, che mắt; không để ria, râu; không đeo bông tai.

+ Nữ sinh: Không đánh phấn, môi son, sơn vẽ móng tay, sơn vẽ móng chân, kẻ chân mày, xâm hình, không đeo nhiều nữ trang.

– Học sinh không mang nhiều tiền và tư trang quý khi đến trường.

– Không được mang những vật dụng thiết bị điện tử vào trường nếu không được nhà trường và giáo viên cho phép sử dụng phục vụ cho việc học tập của bộ môn.

ĐIỀU 4: HỌC TẬP

– Đi học phải mang sách vở, dụng cụ học tập theo yêu cầu và quy định của giáo viên.

– Đến lớp phải chú ý nghe giảng, ghi chép cẩn thận, làm bài đầy đủ, ngồi đúng chỗ quy định, tư thế nghiêm chỉnh, không nói chuyện, nói leo và làm việc riêng; muốn ra khỏi lớp phải được sự cho phép của giáo viên.

– Trong giờ thi, giờ kiểm tra phải tuyệt đối nghiêm túc, không quay cóp hoặc có những hành vi thiếu trung thực.

ĐIỀU 5: ĐỒNG PHỤC

– Đến trường học sinh phải ăn mặc nghiêm túc, sạch sẽ và đúng đồng phục quy định của trường THPT Nguyễn Trãi.

ĐIỀU 6: VỆ SINH

– Học sinh phải có ý thức giữ gìn vệ sinh chung, bỏ rác đúng nơi quy định, không xả rác trong lớp, trong ngăn bàn, hành lang, sân trường…

– Làm vệ sinh trước và sau mỗi buổi học.

– Không được đem đồ ăn thức uống vào lớp học.

– Xóa bảng sạch sẽ sau giờ chuyển tiết và cuối mỗi buổi học.

– Không có nhiệm vụ không được lên bàn giáo viên sử dụng máy vi tính, máy in…

ĐIỀU 7: BẢO QUẢN TÀI SẢN CHUNG

– Học sinh có nhiệm vụ giữ gìn và bảo quản tài sản của nhà trường, của lớp. Nếu làm hư hỏng, mất mát hoặc phá hỏng sẽ bị kỷ luật và bồi thường thích đáng.

– Không tùy tiện di chuyển bàn, ghế, ghế đá và các dụng cụ phục vụ trong trường.

– Không viết, vẽ, khắc trên tường, bàn, ghế, bảng…

– Tắt đèn, quạt, máy lạnh, các thiết bị điện, đóng cửa, khóa cửa và giao chìa khóa phòng học cho thầy, cô, Giám thị trước khi ra về.

ĐIỀU 8: ỨNG XỬ

•  Đối với bạn bè:

– Tôn trọng bạn bè, biết chia sẻ, động viên, giúp đỡ bạn bè vươn lên trong học tập và rèn luyện.

– Không được bao che khuyết điểm cho bạn.

– Không được có những hành động phân biệt đối xử, vu khống, nói xấu bạn bè.

– Giữ gìn mối quan hệ bình đẳng, trong sáng với bạn bè khác giới.

– Không sử dụng mạng internet, mạng xã hội… để nói xấu, xúc phạm tuyên truyền nhằm bôi nhọ, kích động hận thù đối với người khác.

Đối với nhà giáo, cán bộ giáo viên, nhân viên nhà trường:

– Có thái độ tôn trọng, lễ phép với thầy, cô giáo, nhân viên nhà trường.

– Trong việc chào hỏi, xưng hô với thầy cô giáo, nhân viên trong nhà trường khách đến thăm, làm việc với nhà trường: Đảm bảo kính trọng, lịch sự, lễ phép; không được có những hành động, cử chỉ, lời nói thiếu chuẩn mực đạo đức; vô lễ với thầy, cô và người lớn tuổi.

– Không được có những hành vi xúc phạm nhân phẩm, danh dự của thầy, cô giáo, nhân viên nhà trường.

– Phục tùng các quyết định và yêu cầu của thầy, cô giáo, nhân viên nhà trường.

•  Đối với khách và người lớn tuổi:

– Khi có khách đến thăm trường, học sinh phải biết chào hỏi lịch sự; hướng dẫn tận tình khi khách cần giúp đỡ.

– Lễ phép, kính trọng và vâng lời người lớn tuổi. Biết kính trên nhường dưới.

– Giúp đỡ người lớn tuổi khi gặp khó khăn trong cuộc sống.

•  Đối với gia đình.

– Ứng xử trong xưng hô, mời, gọi đảm bảo sự kính trọng, lễ phép, thương yêu, quan tâm đến mọi người trong gia đình.

– Khi đi đâu phải xin phép cha, mẹ hoặc người bảo hộ, nuôi dưỡng; khi người lớn hỏi phải trả lời lễ phép, nhẹ nhàng, rõ ràng.

– Không khích bác, công kích, lên án ông bà, cha mẹ và người lớn tuổi.

– Ứng xử khi có khách đến nhà đảm bảo chào hỏi lễ phép, tiếp khách chân tình, cởi mở lắng nghe.

– Không nói chen vào hay đứng cạnh khi bố, mẹ nói chuyện với khách khi không được phép hoặc nói lớn tiếng; chửi mắng, nói xấu ở ngoài khi cha, mẹ đang tiếp khách…

•  Đối với môi trường sống và học tập:

– Biết cách bảo vệ sức khỏe, phòng chống dịch bệnh cho bản thân; tham gia học hỏi, rèn luyện kỹ năng sống.

– Có ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường; bảo vệ cơ sở vật chất;xây dựng và giữ gìn trường, lớp học xanh, sạch đẹp; Quan tâm chăm sóc tốt các công trình thanh niên.

– Sử dụng an toàn và tiết kiệm điện, nước, trang thiết bị của nhà trường.

– Có ý thức bảo vệ các công trình văn hóa, các di tích lịch sử ở địa phương.

– Tìm hiểu, giữ gìn và phát huy truyền thống địa phương, truyền thống nhà trường.

• Đối với cộng đồng và xã hội:

– Ứng xử trong giao tiếp đảm bảo lễ phép; ân cần giúp đỡ, hỏi thăm, chia sẻ chân tình, không cãi cọ, xích mích, trả thù.

– Ứng xử trong sinh hoạt đảm bảo tôn trọng sự yên tĩnh chung, không gây mất trật tự an ninh, không gây ồn ào, mất vệ sinh chung.

– Cử chỉ, hành động lịch thiệp; biết nói xin lỗi khi làm phiền và cảm ơn khi được giúp đỡ. Không gây ồn ào, mất trật tự, không ngó nghiêng, chỉ trỏ, bình phẩm, nói xấu người khác.

QUY TẮC VĂN HOÁ ỨNG XỬ CỦA NHÀ GIÁO, CÁN BỘ QUẢN LÝ, CÁN BỘ NHÂN VIÊN, NGƯỜI LAO ĐỘNG.

• Đối với bản thân:

ĐIỀU 1: Ý THỨC TỔ CHỨC – KỶ LUẬT

– Thực hiện đúng pháp lệnh công chức, quy chế trường Trung học phổ thông.

– Phải có ý thức xây dựng và bảo vệ uy tín, danh dự của nhà trường.

– Chấp hành tốt sự phân công và điều động của Hiệu trưởng trong các hoạt động nhà trường.

– Làm việc, lên lớp hội họp đúng giờ, đảm bảo thời gian quy định.

– Không tiếp khách và học sinh trong phòng họp của giáo viên.

ĐIỀU 2: PHẨM CHẤT – ĐẠO ĐỨC

– Giữ gìn phẩm chất, đạo đức, uy tín của nhà giáo.

– Gương mẫu trước học sinh, thương yêu, tôn trọng, đối xử công bằng với học sinh; có trách nhiệm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của học sinh.

ĐIỀU 3: NHIỆM VỤ CỦA GV – NV

– Giảng dạy và giáo dục theo đúng chương trình, kế hoạch.

– Thực hiện đủ và đúng các quy chế chuyên môn.

– Tham gia, quản lý học sinh trong các hoạt động giáo dục do nhà trường tổ chức.

– Tham gia đầy đủ các hoạt động của tổ chuyên môn.

– Bồi dưỡng học sinh giỏi, phụ đạo học sinh yếu.

– Không ngừng bồi dưỡng nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ.

– Giữ gìn, bảo quản tốt tài sản nhà trường.

– Nhân viên thực hiện các công tác được giao có chất lượng và hiệu quả tốt.

ĐIỀU 4: TÁC PHONG SƯ PHẠM

– Thể hiện tính sư phạm khi tiếp xúc với phụ huynh và học sinh.

– Phổ biến đúng và đủ các chủ trương của nhà trường đến phụ huynh và học sinh.

– Trang phục khi lên lớp, coi thi, dự giờ phải đúng quy định.

– Tôn trọng, đoàn kết, giúp đỡ đồng nghiệp.

– Giữ gìn vệ sinh môi trường sư phạm.

ĐIỀU 5: NGHIÊM CẤM

– Xúc phạm danh dự, nhân phẩm, thân thể của học sinh và đồng nghiệp.

– Dạy thêm trái với quy định của Bộ GD&ĐT

– Gian lận trong kiểm tra, đánh giá, thi cử, tuyển sinh.

– Hút thuốc, uống rượu bia khi lên lớp và khi tham gia các hoạt động giáo dục.

– Tùy tiện bỏ giờ lên lớp, nghỉ công tác, hội họp, sinh hoạt.

– Sử dụng ĐTDĐ, máy tính bảng (không phục vụ mục đích dạy học) khi lên lớp.

– Sử dụng tài khoản cá nhân hoặc tài khoản của người khác trên diễn đàn, mạng xã hội mang tên Nguyễn Trãi để đăng tải các nội dung không lành mạnh, có tính xuyên tạc, đả kích liên quan đến chính trị, tôn giáo và làm ảnh hưởng đến người khác.

ĐIỀU 6: ỨNG XỬ

• Đối với học sinh:

– Thương yêu học sinh, tôn trọng nhân cách của học sinh, mềm mỏng nhưng kiên quyết, nghiêm khắc khi xử lý vi phạm của học sinh.

– Luôn tạo điều kiện để học sinh vươn lên trong học tập, không có thái độ trù dập học sinh.

• Đối với cấp trên:

– Các chỉ thị, mệnh lệnh, nhiệm vụ được phân công phải chấp hành nghiêm túc, đúng thời gian; thường xuyên báo cáo, phản ánh tình hình thực hiện nhiệm vụ; thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định.

– Trung thực, thẳng thắn trong báo cáo; đề xuất, tham gia đóng góp ý kiến với cấp trên; bảo vệ uy tín, danh dự cho cấp trên; không được lợi dụng việc góp ý, phê bình hoặc dùng đơn thư nặc danh, mạo danh làm tổn hại uy tín của cấp trên; khi gặp cấp trên phải chào hỏi nghiêm túc, lịch sự.

•  Đối với cấp dưới:

– Hướng dẫn cấp dưới triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ được giao; đôn đốc, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc chấp hành kỷ cương, kỷ luật hành chính, việc thực hiện quy chế chuyên môn.

– Gương mẫu cho cấp dưới học tập, noi theo về mọi mặt; nắm vững tư tưởng, tâm tư, nguyện vọng, hoàn cảnh của cấp dưới; chân thành động viên, chia sẻ khó khăn vướng mắc trong công việc cũng như trong cuộc sống.

– Tôn trọng cấp dưới, cởi mở và thân tình; không cửa quyền, hách dịch, quan liêu, trù dập, thành kiến với cấp dưới.

• Đối với đồng nghiệp:

– Coi đồng nghiệp như người thân trong gia đình mình. Thấu hiểu chia sẻ khó khăn trong công tác và cuộc sống.

– Khiêm tốn, chân thành, tôn trọng sở thích cá nhân; bảo vệ uy tín danh dự của đồng nghiệp; không ghen ghét, đố kỵ, lôi bè kéo cánh gây mất đoàn kết nội bộ.

– Luôn có thái độ cầu thị, thẳng thắn và nghiêm túc tham gia góp ý trong công việc, cuộc sống.

– Hợp tác, giúp đỡ nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

•  Đối với cơ quan, trường học khác:

– Văn minh lịch sự khi giao tiếp; luôn thể hiện thái độ, cử chỉ, lời nói nhã nhặn khiêm tốn, vui vẻ, bình tĩnh trong mọi tình huống; không to tiếng, hách dịch, không nói tục hoặc có thái độ gây căng thẳng, bức xúc cho người khác; tuyệt đối không cung cấp các thông tin nội bộ nhà trường, viên chức cho người khác biết (trừ khi Hiệu trưởng chỉ thị).

– Công tâm, tận tuỵ, nhanh chóng, khoa học chính xác khi giải quyết công việc.

– Không móc ngoặc, thông đồng, tiếp tay làm trái quy định để vụ lợi khi thi hành công vụ.

– Thấu hiểu và chia sẻ, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc; hướng dẫn tận tình chu đáo cho người đến liên hệ, trao đổi, hợp tác.

– Tôn trọng, lắng nghe và tiếp thu ý kiến đóng góp của khác.

-Trong khi thực hiện chức trách, nhiệm vụ, nếu để các cá nhân đến làm việc phải chờ đợi thì phải giải thích rõ lý do.

• Đối với người thân trong gia đình:

– Có trách nhiệm giáo dục, thuyết phục, vận động người thân trong gia đình chấp hành nghiêm chỉnh đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

– Sống có trách nhiệm với gia đình, đặc biệt là đối với cha mẹ và con cái, xây dựng gia đình văn hóa.

•  Đối với cha mẹ người học:

– Hãy là người bạn đồng hành cùng phụ huynh hướng đến mục tiêu chung; lắng nghe những tâm sự, nguyện vọng của phụ huynh khi bàn về giáo dục con em; đề xuất thêm những biện pháp giáo dục với phụ huynh trong dạy dỗ con cái.

– Thiết lập đường dây thông tin thông qua các phương tiện hiện có để kịp thời thông báo cho cha mẹ người học những biểu hiện đáng lưu ý trong học sinh.

– Giáo viên phải chủ động tìm hiểu gia đình học sinh, tổ chức thăm hỏi khi cần thiết. Đối với những phụ huynh có hoàn cảnh khó khăn, hoặc con em cá biệt, cần tế nhị trong giao tiếp; tránh chê bai quá mức học sinh trước phụ huynh khiến họ nản lòng không muốn cho con em đến trường.

* Đối với khách đến làm việc, các tổ chức khác và người nước ngoài:

– Thực hiện đúng quy định của Nhà nước, của Ngành về quan hệ, tiếp xúc với tổ chức, cá nhân nước ngoài.

– Giữ gìn và phát huy truyền thống lịch sử, bản sắc văn hoá dân tộc; bảo vệ bí mật Nhà nước, bí mật công tác, lợi ích quốc gia.

•  Đối với môi trường:

Phải nâng cao ý thức trách nhiệm và vận động mọi người bảo vệ môi trường; không xả rác thải, phóng uế bừa bãi; giữ gìn trật tự xã hội và vệ sinh nơi công cộng.

•  Đối với cộng đồng xã hội:

– Thực hiện nếp sống văn hoá, quy định nơi công cộng; đặc biệt quan tâm, giúp đỡ cho người già, trẻ em, phụ nữ, người tàn tật.

– Kịp thời thông báo cho cơ quan, tổ chức đơn vị có thẩm quyền các thông tin về các hành vi vi phạm pháp luật.

HĐQT VÀ CÁN BỘ GIÁO VIÊN TRƯỜNG THPT NGUYỄN TRÃI

HĐQT VÀ CÁN BỘ GIÁO VIÊN TRƯỜNG THPT NGUYỄN TRÃI

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *